Bollinger Bands là một chỉ báo kỹ thuật rất phổ biến trong Forex, cung cấp thông tin về độ biến động của thị trường rất đáng tin cậy. Thế nhưng liệu bạn có biết cách áp dụng chỉ báo Bollinger Bands (hay còn gọi là dải BB) khi giao dịch sao cho hiệu quả cao nhất hay chưa.
Trong bài viết này, hãy tìm hiểu 4 chiến lược áp dụng Bollinger Bands và bạn có thể tự kiểm tra thử xem chiến lược nào phù hợp với phong cách giao dịch của mình nhất nhé.
Các chiến lược giao dịch với Bollinger Bands
Chỉ báo Bollinger Bands có thể kết hợp với mô hình giá chữ M, chữ W, các chỉ báo kỹ thuật khác như đường MA, đường RSI…để hình thành bộ chiến lược giao dịch trên nhiều loại tài sản. Bên dưới mình xin khái quát 4 chiến lược sử dụng Bollinger Bands để tìm tín hiệu giao dịch có xác suất thành công cao.
Bắt đáy bằng Bollinger Bands
John Bollinger, tác giả chỉ báo Bollinger Bands từng nói rằng “có thể dùng Bollinger Bands để xác nhận các mô hình giá thuần túy, ví dụ như mô hình 2 đỉnh và mô hình 2 đáy, thay đổi động lượng,…”
Trong mô hình này, đáy đầu tiên được hình thành khi khối lượng giao dịch giảm mạnh, mức giá đóng cửa rớt mạnh và nằm ngoài dải dưới. Kiểu hành động giá này sẽ dẫn đến hiện tượng “tăng giá tự động” do quá bán. Mức giá cao trong đợt tăng giá tự động sẽ đóng vai trò làm ngưỡng kháng cự đầu tiên trong quá trình tăng giá đợt tiếp theo.
Sau khi hiện tượng tăng giá tự động xảy ra, mức giá sẽ “retest” lại mức giá thấp gần đó để thử thách áp lực mua vào ở vùng đáy. Lúc này, các chuyên gia phân tích Bollinger Bands sẽ tìm kiếm nến retest này nằm bên trong dải dưới. Điều này chỉ ra rằng áp lực giảm giá đã yếu đi, bên bán giảm dần và bên mua bắt đầu mạnh lên. Bạn cần phải chú ý về khối lượng giao dịch phải thật sự giảm mạnh.
Lúc này, bạn có thể đặt lệnh mua khi giá vượt ngưỡng kháng cự, chốt lời ở mức giá tương ứng với chiều cao của W, tính từ điểm breakout.
Bên trên là ví dụ về mô hình hai đáy (W) với đáy đầu tiên nằm ngoài dải dưới, đáy thứ hai nằm trong dải dưới, chuẩn bị cho hiện tượng tăng giá tự động.
Giao dịch đảo chiều
Chiến lược giao dịch đảo chiều với Bollinger Bands rất đơn giản. Bạn có thể đặt lệnh bán khống khi toàn bộ thanh nến giá vượt ra dải trên của Bollinger Bands.
Trong trường hợp ngược lại, bạn có thể đặt lệnh mua vào khi toàn bộ nến giá nằm ngoài dải dưới Bollinger Bands. Chiến lược này dựa vào nguyên lý hành động giá có xu hướng tự điều chỉnh về dải trung tâm.
Theo đó, mục tiêu chốt lời có thể đặt tại 3 vị trí: dải trên, dải trung tâm và dải dưới, tùy vào vị thế và khẩu vị rủi ro của từng người.
Ví dụ về phiên giao dịch cổ phiếu Direxion trong hình trên cho thấy có nến giảm giá vượt hẳn dải trên Bollinger Bands. Đây là tín hiệu quá mua, nên trong phiên giao dịch tiếp theo đã xuất hiện ngay nến bán ra ngay tại mức giá đóng cửa phiên trước. Trong các phiên tiếp theo, mức giá rớt liên tục đến khi chạm dải Bollinger Bands dưới.
Chiến lược lướt theo dải Bollinger Bands
Một trong những lời khuyên giao dịch theo Bollinger Bands là hãy bán ra khi giá chạm dải Bollinger Bands trên và mua vào khi giá chạm Bollinger Bands dưới. Thật ra lời khuyên này không thật sự chính xác vì Bollinger Bands không tạo ra tín hiệu mua hay bán vì bản chất Bollinger Bands không cung cấp thông tin về xu hướng giá.
Hãy xem giao dịch bên dưới, chú ý dải Bollinger Bands đang thu hẹp lại trước khi breakout, sau đó khối lượng giao dịch bắt đầu thật sự bùng nổ và di chuyển giá vượt khỏi dải Bollinger Bands trên. Đây là cơ hội để lướt theo dải Bollinger Bands để thu lợi nhuận cực kỳ lớn.
Chiến lược kết hợp Bollinger Bands và MA
Trong chiến lược kết hợp Bollinger Bands và MA, ta sẽ tìm tín hiệu giao cắt của đường trung bình động chậm (200 chu kỳ) và dải Bollinger Bands. Trong đó, đường MA 200 được sử dụng để xác định xu hướng dài hạn của tài sản, vị trí của dài Bollinger Bands so với đường MA 200 sẽ gợi ý nên đặt lệnh mua hay bán.
Nếu dải Bollinger Bands nằm hoàn toàn dưới đường MA 200, nghĩa là xung lực giảm giá đang rất lớn, bạn có thể đặt lệnh Bán khống.
Cùng nguyên tắc trên, nếu dải Bollinger Bands nằm hoàn toàn trên đường MA 200, bạn có thể đặt lệnh mua vào.
Ví dụ trong hình trên minh họa giao dịch Mua vào khi dải Bollinger vượt khỏi đường MA200.
Tạm kết
Bollinger Bands là chỉ báo tuy được sử dụng rộng rãi nhưng cũng có rất nhiều ngộ nhận trong cộng đồng nhà giao dịch về cách ứng dụng chỉ báo này. Hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ biết được chỉ báo Bollinger Bands cung cấp tín hiệu về độ biến động, cần phải kết hợp với những công cụ khác mới có thể tìm điểm giao dịch mà không nên cứ nghe theo những lời khuyên vô căn cứ, kiểu như đặt lệnh bán ra khi giá chạm dải trên hay mua vào khi giá chạm dải dưới.