Các chuyên gia đánh giá những sự kiện diễn ra ở năm 2022 gây ảnh hưởng lớn và chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thị trường tiền số. Thậm chí, hệ quả của nó còn có thể kéo dài đến nhiều năm sau.
Sau năm 2021 tăng trưởng chóng mặt, 2022 được xem như một năm suy thoái của tiền điện tử khi giá Bitcoin liên tục lao dốc từ vùng 60.000 USD. Bên cạnh đó, hàng loạt vụ bê bối của những công ty khổng lồ ngành Blockchain cũng bị lôi ra ánh sáng. Cryptoday xin điểm lại những sự kiện nổi bật trên thị trường tài sản số trong năm 2022.
Sự kiện tiền số nổi bật năm 2022.
Dự án “máy trộn tiền số” Tornado Cash bị bộ tài chính Mỹ trừng phạt
Đầu tháng 8, Bộ Tài chính Mỹ ra lệnh trừng phạt với nền tảng “máy trộn tiền số” Tornado Cash. Theo đó, tất cả cá nhân và tổ chức tại Mỹ không được phép sử dụng dịch vụ của công ty này.
Nhờ thuật toán đặc biệt, các khoản tiền số đi qua “máy trộn” Tornado Cash đều bị xóa dấu vết. Thông tin người gửi và địa chỉ ví thụ hưởng sẽ được giấu kín. Vì vậy, chính phủ Mỹ đánh giá Tornado Cash là công cụ hữu hiệu cho kẻ xấu rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Nhiều đơn vị khác trong ngành Blockchain cũng đáp lại lời kêu gọi trừng phạt của chính phủ. Họ từ chối hỗ trợ đồng thời cố gắng phong tỏa các tài khoản từng tương tác với Tornado Cash. Không ít người đầu tư bị liên lụy trong sự kiện này, bao gồm cả những nhân vật tên tuổi trên thị trường tiền số. Tiêu biểu có thể kể tới tỷ phú 9x Justin Sun, ví điện tử của anh đã bị phong tỏa do một kẻ ẩn danh cố tình gửi vào đó 0,1 ETH thông qua “máy trộn” Tornado Cash.
Sự kiện Tornado Cash là lần đầu tiên cơ quan chức năng Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên một công ty tiền số cụ thể.
Lệnh trừng phạt nhanh chóng vấp phải làn sóng phản đối đến từ cộng đồng tiền số. Họ cho rằng nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu và vi phạm quy tắc phi tập trung của công nghệ Blockchain. Thậm chí, Brian Armstrong, ông chủ sàn giao dịch Coinbase còn tài trợ tiền để phía Tornado Cash để theo đuổi vụ kiện chống lại lệnh trừng phạt.
“Chúng tôi luôn ủng hộ hành động của cơ quan thực thi pháp luật. Tuy nhiên, tôi nghĩ Bộ Tài chính Mỹ đã vượt quá thẩm quyền trong vụ việc Tornado Cash”, CEO Coinbase chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.
Vitalik Buterin, cha đẻ mạng lưới Blockchain Ethereum cũng lên tiếng chỉ trích quyết định trừng phạt. Ông thừa nhận từng sử dụng dịch vụ Tornado Cash để gửi tiền quyên góp cho nạn nhân của cuộc xung đột Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, Tether, công ty đứng sau đồng tiền số ổn định giá (stablecoin) lớn nhất thế giới USDT khẳng định sẽ không đóng băng tài khoản người dùng Tornado Cash chừng nào cơ quan chức năng chưa trực tiếp yêu cầu.
Sự kiện “The Merge” (Hợp nhất) trên mạng Blockchain Ethereum
Ngày 15/9, sự kiện lịch sử “The Merge” (Hợp nhất) trên mạng lưới Ethereum chính thức diễn ra. Blockchain Ethereum đã chuyển từ cơ chế đồng thuận kiểu cũ POW (Bằng chứng công việc) sang cơ chế mới POS (Bằng chứng cổ phần).
Bản cập nhật “The Merge” cũng loại bỏ vai trò của thợ đào đồng tiền số ETH. Giờ đây, các hoạt động trên mạng Ethereum của người dùng không còn được xác thực bằng sức mạnh phần cứng máy tính. Thay vào đó, những cá nhân muốn làm công việc xác thực để nhận phần thưởng sẽ phải gửi 1 lượng ETH nhất định đến mạng lưới. Hệ thống sẽ chọn ngẫu nhiên một trong số những người này nhằm hoàn thành xác thực giao dịch.
Sự kiện “Hợp nhất” đã thay đổi hoàn toàn cơ chế xác thực của mạng lưới Blockchain Ethereum.
Theo tờ Cointelegraph, không ít thợ đào đã bị thua lỗ vì sự kiện “The Merge”. Họ bỏ tiền để mua dàn máy đào ETH mới, hiệu suất cao nhưng chưa kịp hoàn vốn trước ngày 15/9. Sau thời điểm “Hợp nhất”, họ buộc phải thanh lý máy đào để thu hồi vốn.
Mặc dù vậy, Cointelegraph cũng đánh giá bản cập nhật mới mang lại nhiều tích cực. Cơ chế đồng thuận POS giúp hạn chế 99% năng lượng sử dụng trên mạng lưới. Đồng thời, cách vận hành của nó gần giống với các mô hình tài chính cổ điển hơn, do đó thu hút thêm lượng lớn người đầu tư truyền thống vào thị trường tiền số.
Ngoài tiết kiệm năng lượng, “The Merge” không khiến chi phí giao dịch của khách hàng giảm đi. Tốc độ xử lý trên Blockchain Ethereum không có quá nhiều khác biệt sau sự kiện này.
Mạng Blockchain do sàn Binance hậu thuẫn bị hack, buộc phải dừng hoạt động
Ngày 6/10, cầu nối BSC Token Hub thuộc mạng BNB Chain (Blockchain do sàn tiền số Binance xây dựng) bị hacker tấn công. Kẻ xấu sau đó lấy đi lượng tài sản khổng lồ tương đương 586 triệu USD (khoảng 14.000 tỷ đồng).
Đây là vụ hack gây thiệt hại lớn nhất đồng thời là sự cố đầu tiên liên quan tới tin tặc đủ để khiến mạng BNB Chain dừng hoạt động.
Thậm chí, ông chủ Binance Changpeng Zhao đã phải liên tục xuất hiện nhằm cập nhật tin tức vụ việc. Ông xác nhận kẻ xấu mới chỉ kịp tẩu tán khoảng 100 triệu USD. Phần lớn tài sản còn lại đã bị Binance cùng các đơn vị khác trong ngành phong tỏa.
Mạng Blockchain do sàn tiền số Binance xây dựng bị hack số tiền 586 triệu USD và phải dừng hoạt động.
Khoảng 10 giờ sau vụ hack, mạng BNB Chain đã có thể hoạt động trở lại. CEO Changpeng Zhao khẳng định tiền của khách hàng vẫn an toàn và sự cố đang dần được khắc phục. Tuy nhiên, đội ngũ Binance cuối cùng vẫn phải đi đến quyết định thực hiện “phiên bản cập nhật tách rời” (hard fork) để loại bỏ hoàn toàn lỗ hổng bảo mật.
Theo dữ liệu do chuyên trang thống kê Chainalysis cung cấp, tháng 10/2022 là tháng có lượng tài sản số bị tin tặc đánh cắp cao kỷ lục trong lịch sử ngành Blockchain.
“Tổng cộng có 11 vụ hack diễn ra chỉ trong 12 ngày đầu tháng. Hacker đã lấy đi khoảng 718 triệu USD, phần lớn thuộc về các giao thức cầu nối liên cuối Blockchain (Cross-chain Bridge). Đây là thách thức bảo mật đối với các chuyên gia lập trình”, đại diện Chainalysis chia sẻ.
Tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter, ông chủ sàn Binance đóng góp 500 triệu USD
Cuối tháng 10, tỷ phú Elon Musk hoàn tất thương vụ lịch sử trị giá 44 tỷ USD để mua lại nền tảng mạng xã hội Twitter. CEO Binance Changpeng Zhao xác nhận sàn tiền số lớn nhất thế giới có đóng góp khoảng 500 triệu USD.
Jack Dorsey, cựu CEO Twitter được biết đến là một kẻ “cuồng Bitcoin”. Giới đầu tư kỳ vọng, với lập trường ủng hộ ngành tài sản số, tân CEO Elon Musk sẽ giúp cộng đồng tiền điện tử Twitter phát triển mạnh hơn nữa.
Người đầu tư kỳ vọng thương vụ mua lại Twitter của tỷ phú Elon Musk sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của ngành tiền số. Sàn giao dịch Binance cũng tham gia vào sự kiện này.
Ngày 10/11/2022, Elon Musk đã đồng ý thành lập nhóm chuyên gia “Twitter Crypto”, đơn vị có nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ Blockchain và một số ứng dụng phi tập trung khác. Mục tiêu của nhóm là biến Twitter trở thành mạng xã hội đi đầu trong lĩnh vực mới này.
Về phía đối tác Binance, CEO Changpeng Zhao tiết lộ họ cũng xây dựng một đội cố vấn của riêng mình. Đồng thời, Binance khẳng định sẵn sàng giúp đỡ tỷ phú Elon Musk giải quyết các vấn đề liên quan tới công nghệ Web3 và Blockchain.
Đầu tháng 12/2022, cộng đồng đầu tư một lần nữa dậy sóng khi tin đồn CEO Elon Musk đang âm thầm phát triển “Twitter coin” xuất hiện. Cụ thể, nhiều cá nhân đã tìm thấy hình ảnh đồng tiền số và mục dành riêng cho “Coins” trong các đoạn mã lập trình của nền tảng Twitter. Các chuyên gia đánh giá khả năng cao tiền điện tử sẽ đóng vai trò kênh thanh toán chính thức trên mạng xã hội này.
Sàn tiền số FTX phá sản, CEO Sam Bankman-Fried bị bắt giữ
Ngày 9/11, ông chủ Binance Changpeng Zhao tiết lộ sẽ thanh lý FTT (đồng tiền số đại diện cho sàn FTX) vì không tin tưởng vào cách hoạt động của công ty do Sam Bankman-Fried lãnh đạo.
Tuyên bố này nhanh chóng tạo ra làn sóng bán tháo đồng FTT cực lớn. Bên cạnh đó, nhiều người đầu tư mất niềm tin vào FTX và liên tiếp thực hiện lệnh rút tiền khỏi sàn giao dịch. Cuối cùng, công ty FTX phải đệ đơn xin phá sản vào ngày 11/11 với lý do không đủ thanh khoản phục vụ nhu cầu khách hàng.
Cựu CEO Sam Bankman-Fried bị bắt vì cáo buộc liên quan đến 8 tội danh lừa đảo khác nhau.
Trên thực tế, trước đó 1 tuần, tờ CoinDesk đã chỉ ra nhiều điểm bất thường trong việc vận hành mạng lưới công ty FTX của Sam Bankman-Fried. Cuộc điều tra từ phía cơ quan chức năng cũng cho thấy các vi phạm nghiêm trọng mà đội ngũ FTX thực hiện.
Theo tờ Cointelegraph, ngay sau khi FTX sụp đổ, cựu CEO Sam Bankman-Fried đã vướng phải cáo buộc sử dụng sai tiền khách hàng gửi trên sàn. Các chuyên gia nhận định, thông qua quỹ thân tín Alameda Research, Sam sử dụng tiền của khách để vay thế chấp và đầu tư vào nhiều dự án bên ngoài dẫn đến thua lỗ.
Ngày 13/12, Sam Bankman-Fried chính thức bị chính quyền Bahamas bắt giữ theo đề nghị từ cơ quan lập pháp Mỹ. Bản cáo trạng của cựu CEO FTX đề cập tới các tội danh bao gồm: âm mưu lừa đảo khách hàng, lừa đảo khách hàng, âm mưu lừa đảo người cho vay, lừa đảo người cho vay, âm mưu lừa đảo hàng hóa, âm mưu lừa đảo chứng khoán và âm mưu rửa tiền.
Hiện tại, Sam Bankman-Fried đang bị giam giữ ở nhà tù Fox Hill, Bahamas. Các diễn biến mới nhất tại phiên tòa ngày 20/12 cho thấy anh đang cố gắng chống lại yêu cầu dẫn độ về Mỹ.